- KỶ NIỆM 45 NĂM NGÀY BIẾN
CỐ TRÊN VỊNH BẮC VIỆT
Tin tổng hợp - Ngày này
45 năm trước vào ngày 5 tháng 8 năm 1964, lần
đầu tiên máy bay Hoa Kỳ oanh tạc miền Bắc Việt Nam để trả đũa vụ tàu
của Cộng sản Việt Nam tấn công hai khu trục hạm USS Maddox và USS
Turner Joy trong vịnh Bắc Việt. Với sự chấp thuận của Tổng thống
Lyndon B. Johnson, Hải Quân Hoa Kỳ mở chiến dịch không kích mang tên
Pierce Arrow.
Các máy bay chiến
đấu, xuất phát từ hai hàng không mẫu
hạm Ticonderoga và Constellation trên vịnh Bắc Việt, thực hiện 64 phi
vụ tấn công, gây tổn thất nặng cho 4 căn cứ hải quân của Cộng sản Việt
Nam ở Hòn Gai, Lộc Châu, Quảng Khê, Bến Thủ và kho xăng dầu tại Vinh.
Hai phi cơ Hoa Kỳ bị hỏa lực phòng không bắn hạ, một phi công chết và
Trung Úy Hải Quân Everett Alvarez trở thành phi công tù binh chiến
tranh đầu tiên ở Bắc Việt và bị giam giữ suốt hơn 8 năm cho đến khi
được trao trả vào năm 1973. Biến cố trên vịnh Bắc Việt khởi đầu từ
cuối tháng 7 năm 1964, khi khu trục hạm USS Maddox đã thi hành nhiệm
vụ do thám điện tử bên ngoài bờ biển nhưng với lệnh rõ ràng là không
được xâm phạm lãnh hải Bắc Việt, phải ở cách bờ biển ngoài 8 dặm và
cách đảo Hòn Niêu ngoài 4 dặm. Theo những hồ sơ đã giải mật sau này,
việc này diễn ra cùng lúc với các cuộc xâm nhập đường biển cũng như
trên đất liền của những toán biệt kích đưa từ miền Nam ra, tuy nhiên
chiến hạm không có sứ mạng yểm trợ các hoạt động ấy. Theo sự nhận định
và lập luận của Bắc Việt thì Hải Quân của họ báo cáo là từ ngày 31
Tháng Bảy tàu Maddox đã đi vào hải phận để khiêu khích hay yểm trợ
biệt kích, và vì vậy một đơn vị duyên phòng ở Thanh Hóa đã phái 3 tiểu
đĩnh phóng lôi torpedo boat loại P-4 thuộc tiểu đoàn 135 nghênh cản.
Đây là những tàu do Trung Cộng chế tạo theo mẫu K-123 của Liên Xô,
chiều dài 20 thước, lượng rẽ nước 20 tấn, vận tốc khoảng 45 hải lý một
giờ, trang bị 2 ngư lôi torpedo cỡ 450 ly và 2 đại liên 14.5 ly. Ngày 2
tháng 8, chiến hạm Maddox báo cáo về Bộ Tư Lệnh Hải Quân Hoa Kỳ
ở Thái Bình Dương là đang bị 3 tiểu đĩnh tấn công bằng ngư lôi nhưng
lách tránh được và chỉ bị trúng đạn đại liên không tổn thất gì đáng
kể. Lúc đó USS Maddox ở cách bờ biển 28 dặm, trên hải phận quốc tế
hoàn toàn bên ngoài lãnh hải Việt Nam. Chiến hạm Hoa Kỳ bắn trả bằng 6
khẩu đại bác 127 ly và các súng nhỏ hơn. Tàu phóng lôi T-339 bị trúng
đạn không chạy được nữa và hai chiếc còn lại rút lui về bờ biển, trong
lúc máy bay Hải Quân Hoa Kỳ đuổi theo xạ kích. Cuộc đụng độ kéo dài
khoảng nửa giờ và chấm dứt trước 4 giờ rưỡi chiều giờ địa phương. Ngày
hôm sau chiến hạm USS Maddox tiếp tục nhiệm vụ với sự tăng cường thêm
của khu trục hạm USS Turner Joy và cả hai chiến hạm vẫn được lệnh
không được tới gần bờ biển dưới 11 dặm. Tối ngày 4 tháng 8, hạm trưởng
USS Maddox John Herrick và là chỉ huy trưởng hải đội hai khu trục hạm
gởi về một điện tín cho biết các chiến hạm đang xạ kích vào những mục
tiêu phát hiện trên màn hình radar.
Tổng thống Lyndon Johnson căn cứ
trên báo cáo đầu tiên về việc Bắc Việt tấn công lần thứ nhì đã quyết
định cho phép mở cuộc oanh tạc không quân để trả đũa, và ông lên
truyền hình nói chuyện với dân chúng Hoa Kỳ. Cuộc oanh tạc ngày 5
tháng 8 năm 1964 mở đường cho những hành động leo thang chiến tranh
sau này. Đầu năm 1965 Tổng thống Johnson cho đưa quân bộ chiến vào
Việt Nam và mở những đợt oanh tạc trên lãnh thổ Bắc Việt, để trong
vòng 8 năm người dân miền Bắc phải trực tiếp chia sẻ thảm họa của cuộc
nội chiến do Bắc Việt gây ra ở miền Nam Việt Nam.
- VIỆT NAM GỬI CÔNG HÀM YÊU
CẦU TRUNG CỘNG THẢ NGAY TÀU CÁ
Tin Hà Nội - Trong lúc
nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam tổ chức cái gọi
là kỷ niệm 45 năm ngày Hải quân Cộng sản Việt Nam chiến thắng trận đầu
trong vụ tấn công tàu Maddox của Mỹ, thì ngược lại Hà Nội lại vẫn tỏ
ra khiếp nhược trước những hành động ngang ngược của Trung cộng đối
với ngư dân.
Sáng nay Phát ngôn viên bộ Ngoại giao Cộng sản Việt Nam
là Lê Dũng cho hay Hà Nội đã gửi công hàm tới Đại sứ quán Trung Cộng
tại Việt Nam yêu cầu phía Trung Cộng thả ngay 13 ngư dân mới bị bắt
trong lúc đang di chuyển tránh bão tại khu vực quần đảo Hoàng Sa của
Việt Nam. Lê Dũng nói công hàm yêu cầu Trung cộng nhanh chóng thông
báo cho phía Việt Nam về tình hình của các ngư dân và thả ngay những
ngư dân này. Tổng cộng hiện Trung cộng đang bắt giữ 25 ngư dân Việt
Nam, gồm 13 người từ huyện Bình Sơn tỉnh Quảng Ngãi vào hôm thứ bảy
vừa qua và 12 người từ huyện Lý Sơn gần 1 tháng trước đây, và Bắc Kinh
vẫn làm ngơ trước những lời lên tiếng của đàn em Cộng sản Việt Nam và
đưa những người này về đảo Phú Lâm giam giữ và đòi tiền chuộc. Phía
Việt Nam khẳng định các ngư dân đã hành nghề đánh cá bình thường tại
khu vực vùng biển thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Vào giữa tháng
7 vừa qua một tàu Trung cộng cũng đã đâm chìm vào tàu cá làm 9 ngư dân
ở Quảng Ngãi bị thương. Các sự kiện liên tiếp xảy ra thời gian qua và
Hà Nội đe dọa sẽ tẩy chay cuộc họp của Ủy ban liên hiệp nghề cá Việt
Trung lần thứ 6 dự kiến diễn ra tại Đà Nẵng trong tháng 8 này.
- ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM LO TỰ DIỄN
BIẾN
Tin Hà Nội - Lãnh đạo
ngành tư tưởng của đảng Cộng sản Việt Nam mới
lên tiếng xác định đường lối chính trị trước Đại hội kỳ 11, chống tự
diễn biến, chuyển hóa và nhắc đến Biển Đông. Trong bài đăng trên báo
Nhân Dân là tiếng nói chính thức của đảng Cộng sản, ông Tô Huy Rứa là
người được coi là một ứng viên cho chức tổng bí thư, đã nhận định đảng
Cộng sản Việt Nam đang đứng trước một bối cảnh quốc tế phức tạp.
Bài
viết của ông Rứa, hiện giữ chức Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng
mô tả một thực tế là bối cảnh quốc tế và trong nước diễn biến bất
thường, theo đó đương sự cảnh báo về nguy cơ chuyển biến nội bộ và còn
cho rằng điều này cao hơn diễn biến hòa bình, điều mà đảng Cộng sản
xưa nay vẫn cho là các thế lực thù địch bên ngoài đang vận động để
nhắm vào chế độ hiện nay. Nhân vật này tuyên bố đảng cầm quyền phải
coi công tác tư tưởng là hàng đầu nhưng cần gắn kết chặt chẽ với các
nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh. Những quan
sát viên cho biết trong bài viết không có một chữ nào nhắc đến Trung
Cộng là nước đàn anh, và cũng không còn câu quen thuộc trước đây về
các nước xã hội chủ nghĩa anh em như Cuba, Bắc Hàn, hay các đảng Cộng
sản trên thế giới. Bài viết cũng nêu ra vấn đề tranh chấp Biển Đông
được ông nêu ra như một thách thức lớn. Họ Tô viết rằng xu hướng cạnh
tranh giữa các nước sẽ ngày càng gay gắt, quyết liệt hơn, đặc biệt
trên các địa bàn chiến lược, trong đó có Biển Đông, và cho rằng tình
hình mới đó sẽ tác động nhiều mặt đối với nước ta cả tích cực và tiêu
cực trong thời gian tới.
Trưởng ban tuyên giáo trung ương đảng cũng
chỉ lập lại những điều cũ rích như chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ
Chí Minh, nhưng tránh không nhắc lại cụm từ đấu tranh giai cấp. Những
người hiểu chuyện cho rằng trong lúc đề cao công tác tư tưởng, nhân
vật lãnh đạo cao nhất của ngành tuyên truyền và giáo dục tại Việt Nam
đề ra phương châm tự lo, cố giữ vững ổn định nội bộ, đồng thuận, nhưng
rõ ràng là những tác động mạnh của dư luận trong nước vừa qua ngay từ
chính các cán bộ lão thành, các cựu sĩ quan cao cấp của quân đội đối
với vụ Trung cộng, và vụ bauxite Tây nguyên có thể là yếu tố khiến cho
đảng Cộng sản Việt Nam phải cố gắng chỉnh sửa trong bối cảnh đối nội
và đối ngoại mà Ban lãnh đạo nhận định là khó khăn trong những năm
tới.
|